Hạt giống hoa vạn thọ có nhiều loại và hiện nay có một số loài hoa vạn thọ được trồng phổ biến ở Việt Nam như hoa vạn thọ Pháp, hoa vạn thọ lùn, hoa vạn thọ Thái… nên dù cùng một Chi nhưng có thể mỗi loại sẽ có dược tính và công dụng khác nhau. Dưới đây là một số công dụng của cây hoa vạn thọ nói chung:
Tác dụng của hoa vạn thọ trong Đông Y
Cây hoa vạn thọ có nhiều công năng hữu ích trong việc trị ho, long đờm và tiêu viêm. Lá vạn thọ giúp giải nhiệt và làm mát phổi, gan; cả cây đều trị ho và thông khí; hoa có tác dụng giảm hỏa, thanh tâm và tiêu đờm.
Cây hoa vạn thọ cũng có thể được sử dụng trong chữa trị một số bệnh như viêm kết mạc, viêm phế quản, ho gà, đau nhức răng, viêm miệng, viêm vú, viêm hầu, viêm tuyến mang tai và viêm mủ da. Ngoài ra, người dân Ấn Độ cũng sử dụng dược liệu từ cây cúc vạn thọ để lọc máu, trị mụn nhọt độc, đau nhức mắt, bệnh trĩ và đau tai.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Hoa vạn thọ được sử dụng để trích xuất thành phần lutein, một chất chống oxy hóa có tác dụng cải thiện sức khỏe thị giác và hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan đến mắt như thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể và chứng sợ ánh sáng.
Cao lỏng từ rễ cây có tác dụng tăng cường nhu động ruột, giúp hỗ trợ tiêu hóa.
Cao từ hoa tươi có khả năng ức chế vi khuẩn gram dương, hỗ trợ trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng.
Nước sắc cả cây có khả năng trị giun sán, viêm phổi, nhiễm lạnh và bệnh phong thấp.
Trong nông nghiệp
Cây hoa vạn thọ được sử dụng để đẩy lùi giun tròn, đặc biệt hiệu quả chống lại loài tuyến trùng Pratylenchus penetrans gây hại cho cây trồng.
Hoa vạn thọ có khả năng hấp thụ thạch tín (asen) và giữ lại khoảng 41% trong lá, giúp cải thiện đất nhiễm độc bởi chất trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật. Thành phần α-Terthienyl trong hoa vạn thọ có khả năng hỗ trợ cải thiện đất.
Cây hoa vạn thọ cũng được sử dụng làm thức ăn cho gà, giúp tăng màu đỏ lòng trứng và làm cho vỏ trứng trở nên tươi sáng và đậm màu hơn.
Tinh dầu từ hoa vạn thọ có màu vàng hoặc cam và được sử dụng làm màu thực phẩm phổ biến.
Màu vàng ngô trong các món ăn Ấn Độ thường được chiết xuất từ cây hoa vạn thọ. Còn ở Campuchia, lá non của cây hoa vạn thọ được sử dụng như một loại rau gia vị.