Sách “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” của hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy được Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam phát hành vào ngày 15/5/2024.
Nội dung “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” có nhiều thông tin mới, khác với những cuốn khác, như ngày sinh thật, quê quán đúng của Hoàng hậu Nam Phương; những hoạt động xã hội và thiện nguyện của Hoàng hậu Nam Phương, quan hệ của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp; những công việc triều chính của Vua Bảo Đại; những câu chuyện tình cảm của Vua Bảo Đại và đặc biệt là quãng thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình Hoàng hậu Nam Phương…
Hai tác giả của “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” – TS. Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy – đã ròng rã suốt ba năm trời thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến những nơi lưu dấu của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ở Việt Nam, từ Sài Gòn về Tiền Giang, rồi từ Tiền Giang về Thủ Đức, Chợ Lớn, Biên Hòa, lên Đà Lạt, Kon Tum, ra Quy Nhơn, Huế, Hà Nội… cùng những chuyến đi ở Pháp, đến những nơi nhà vua, Hoàng hậu đã đi qua, sinh sống để tìm tư liệu, gặp nhân chứng và hậu duệ của những người cùng thời, phỏng vấn nhiều nhân chứng trong và ngoài nước, trong đó có cựu thị trưởng làng Chabrignac để tìm hiểu, đối chứng.
Bên cạnh đó là sự dày công sưu tầm, khảo cứu từ nhiều nguồn tài liệu sách báo xuất bản trong và ngoài nước ở Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại (Aix-en-Provence, Pháp), các thư viện của tu viện dòng Mến Thánh giá Chợ Quán, dòng Đức Bà, Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn,… để sưu tầm, khảo cứu, xác minh, kiểm chứng thông tin một cách khách quan nhất có thể.
Tại buổi ra mắt sách, TS. Vĩnh Đào chia sẻ, xuất phát từ niềm cảm mến cá nhân mà ông đã tìm đọc và tìm hiểu về cuộc đời và những diễn biến quan trọng trong cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu. Tuy nhiên càng đọc, ông càng nhận ra những gì được viết phần lớn chỉ là giai thoại, thường được thêu dệt bằng những câu chuyện truyền miệng.
Vì vậy với một nhân vật rất đáng chú ý như thế, ông đã bắt tay vào việc tái hiện chân dung Hoàng hậu từ cách tiếp cận của người viết sử chứ không phải kể lại những giai thoại không có cơ sở.
Cũng xuất thân từ hoàng tộc, điều này là thuận lợi lớn cho tác giả trong quá trình tìm kiếm, chắt lọc thông tin.
Nhưng do sinh sống và làm việc tại Pháp, nên bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chính là người đã giúp đỡ và hỗ trợ ông trong quá trình tìm kiếm tư liệu tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết thêm, trước đó bà và Hội quán các bà mẹ vẫn thường tổ chức những sự kiện về Nam Phương Hoàng hậu vào mỗi dịp tháng Mười. Theo bà, cuộc đời của vị Hoàng hậu cần được nghiên cứu kỹ, vì đây là một hình mẫu lý tưởng cho các phu nhân của giới chính khách có thể học hỏi trong công tác thiện nguyện hay xuất hiện trước truyền thông. Được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của Hoàng hậu Nam Phương khi mặc áo dài, vì vậy Hội quán các bà mẹ thường tổ chức những chủ đề về lụa là gấm vóc gắn với Hoàng hậu.
Qua công trình nghiên cứu này, hai tác giả muốn góp thêm một góc nhìn mới về Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại, từ đó giúp minh định thêm những chi tiết vẫn còn thiếu sót hay thiếu chính xác, được huyền thoại hóa về cặp đôi này. Song song đó cũng là phục dựng một Hoàng hậu như người phụ nữ thông minh, sắc sảo, tài đức, cũng như Vua Bảo Đại – người luôn mơ đến đất nước thống nhất nhưng bị phong bế bởi bối cảnh của thời bấy giờ.