Chúng ta học được gì từ việc Tik Tok bị cấm tại nhiều quốc gia? Phải chăng chúng ta nên tìm cách hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân lên các ứng dụng? Nếu bạn muốn hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên các ứng dụng, dưới đây là một số cách để bạn làm việc này từ New York Times.
Tổng thống Trump đã từng đe dọa sẽ cấm TikTok tại Mỹ. Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào trực tiếp cho thấy Tik Tok sử dụng dữ liệu của người dùng vào việc trái phép, song nhiều chuyên gia bảo mật cho rằng ứng dụng này đã đòi hỏi nhiều quyền truy cập không thỏa đáng đối với dữ liệu người dùng và kém an toàn.
Xem thêm: Ấn Độ cấm PUBG Mobile và hàng trăm ứng dụng nguồn gốc Trung Quốc
Bất chấp việc đại diện của ứng dụng này khẳng định rằng họ không cung cấp thông tin người dùng theo yêu cầu của Chính Phủ Trung Quốc, thì vẫn không thể ngăn chặn được làn sóng tẩy chay TikTok tại nhiều quốc gia.
Theo Brian X. Chen, biên tập viên New York Times cho rằng, dù TikTok có hay không cung cấp thông tin dữ liệu người dùng trên nền tảng mạng xã hội này cho chính quyền Trung Quốc, thì chúng ta, những người dùng internet vẫn phải biết cách hạn chế chia sẻ các dữ liệu, thông tin cá nhân của mình lên các ứng dụng di động.
Nhiều tiện ích, ứng dụng khi được cài lên các thiết bị đã đòi hỏi một số quyền truy cập vào thiết bị, bao gồm các thông tin nhiều ít phụ thuộc vào tính năng của ứng dụng đó. Chỉ có điều, dường như không có nhiều người để ý, hay quan tâm đến việc mình đã cấp các quyền gì cho các ứng dụng đó trên thiết bị của mình.
Biên tập viên New York Times cho rằng, câu chuyện của TikTok là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta, hãy cân nhắc, đắn đo nhiều hơn khi cài đặt các ứng dụng cũng như chia sẻ các thông tin của mình cho các ứng dụng đó.
Chen đưa ra các bước giúp bạn thực hiện việc giảm thiểu chia sẻ thông tin dữ liệu cá nhân của mình.
Khi bạn mở một ứng dụng mới được cài trên điện thoại của mình, thông báo có thể bật lên yêu cầu quyền truy cập và các cảm biến và dữ liệu như máy ảnh, album ảnh, vị trí và sổ địa chỉ của bạn.
Trước những yêu cầu này bạn hãy suy nghĩ xem ứng dụng này liệu có cần quyền truy cập vào dữ liệu của bạn mới có thể hoạt động được bình thường hay không?
Ví dụ như bạn sử dụng ứng dụng Google Map, bạn được yêu cầu chia sẻ vị trí hiện tại để Google dẫn đường, yêu cầu này thỏa đáng. Song với những ứng dụng khác thì hãy thận trọng.
Trước khi cài đặt các ứng dụng nào, hãy thử tìm hiểu 1 số thứ như đơn vị cung cấp ứng dụng có đáng tin cậy hay không? Ứng dụng đang yêu cầu cấp quyền gì khi cài đặt?
Tìm hiểu và sử dụng ứng dụng chặn theo dõi từ bên thứ ba. Các ứng dụng gợi ý cho bạn đó là: Disconnect, Privacy Pro, Disconect Premium…
Trong thời gian gần đây, Facebook đã dính vào hàng tá vụ bê bối lộ thông tin dữ liệu người dùng. Vấn đề bảo mật đang trở nên bức thiết đến mức, chính cả Apple và Google phải tìm cách hạn chế và giảm tối đa việc các ứng dụng thứ ba thu thập thông tin dữ liệu người dùng trái phép.
Cụ thể: Trong phiên bản tiếp theo của hệ điều hành di động của Apple, iOS 14 các ứng dụng yêu cầu vị trí của bạn sẽ cung cấp cho bạn tùy chọn chỉ chia sẻ một vị trí gần đúng. Ví dụ như bạn chọn tìm kiếm trên Yelp để tìm nhà hàng ở khu vực lân cận nhưng không muốn Yelp biết chính xác vị trí của bạn đang ở đâu.
Google cho biết trong Android 11, hệ điều hành di động của họ sẽ được phát hành trong năm nay, các ứng dụng yêu cầu vị trí sẽ cung cấp cho mọi người lựa chọn cấp quyền truy cập chỉ một lần, điều này sẽ ngăn việc chia sẻ vị trí liên tục với một ứng dụng. (Apple đã cung cấp tùy chọn đó trong khoảng một năm.)
Bên cạnh đó hãy thận trọng với các ứng dụng miễn phí và đặc biệt là các ứng dụng dựa vào quảng cáo để kiếm doanh thu bởi phí giao dịch mà bạn bỏ ra chính là dữ liệu cá nhân của mình. Theo thời gian những thông tin mà bạn cung cấp đủ nhiều để trở thành một hồ sơ dữ liệu lớn và họ sẽ bán cho rất nhiều nơi để thu lợi nhuận.