Google Tensor là gì và vì sao Google phải nghiên cứu và phát triển nó cho bằng được?
Điều gì là quan trọng nhất với một chiếc smartphone: thiết kế hay tính năng? Tất cả những yếu tố này đều phải xếp sau 1 thứ: vi xử lí.
Vi xử lí được xem như là bộ não của smartphone. Nó chịu trách nhiệm cung cấp sức mạnh tính toán của thiết bị cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người dùng. Rõ ràng 1 con chip có khả năng xử lí kém sẽ kéo theo các tác vụ chậm chạp, tính năng hạn chế thì làm sao trải nghiệm của người dùng ngon lành cho được phải không các bạn?
Ngày nay, thế giới smartphone phụ thuộc vào 1 số nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu như Qualcomm (Snapdragon), Mediatek (Dimensity), Samsung (Exynos)… Bình thường, các nhà sản xuất như Sony, LG, Xiaomi… sẽ đặt hàng chip của bên thứ 3 và sau đó tối ưu cho sản phẩm của mình.
Apple là 1 trường hợp cá biệt trong thế giới smartphone. Họ tự mình phát triển cả hệ điều hành lẫn bộ vi xử lí thành phần phần cứng khác của iPhone. Sự khác biệt này mang đến thành công cho Apple khi những chiếc iPhone của họ luôn có hiệu suất vượt trội và mượt mà hơn sản phẩm của đối thủ.
Việc làm chủ hệ điều hành và chip riêng khiến Apple làm được nhiều thứ mà lẽ ra họ không thể nếu mua chip từ bên thứ 3. Đó là gì? Là việc tích cực cực sâu giữa phần cứng và phần mềm, tạo ra trải nghiệm liền mạch nhất có thể.
Google chắc chắn cũng hiểu rõ điều này. Lợi thế của Google là họ đang sở hữu Android – hệ điều hành di động được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Họ cũng đủ nguồn lực để phát triển một con chip riêng sau nhiều năm ấp ủ. Và thế là Google Tensor ra đời.
Google Tensor là gì?
Chúng ta thể hiểu 1 cách đơn giản nhất Google Tensor là một SoC hay bộ vi xử lí. Nó tương tự như Snapdragon 888 hay Apple A15 trong các thiết bị di động hiện tại.
Sức mạnh xử lí là khả năng cơ bản nhất của 1 con chip. Nó cho phép một thiết bị (ở đây là smartphone) thực hiện những tác vụ từ cơ bản như gọi điện, nhắn tin… hay chuyên sâu hơn như lướt web, chơi game… Nhưng giống như Apple A15 – con chip mới nhất của Apple – Google Tensor còn có khả năng thực hiện các tác vụ AI và máy học nặng và phức tạp nhất.
Google vẫn chưa công bố thông số kỹ thuật của Google Tensor – con chip mà hãng dự định sử dụng cho Pixel 6 series sắp tới. Tuy nhiên, hãng đã hé lộ thông tin rằng nó sẽ tập trung vào AI – vốn là thế mạnh bấy lâu nay của Google. Google cho biết Tensor sẽ tập trung nhiều hơn vào các khả năng AI/ML, thay vì "hiệu suất thô’ như thông thường. Với con chip này, Google muốn đưa Trí tuệ thông minh trên điện thoại lên một tầm cao mới.
Thành phần chính của Tensor là Tensor Processing Unit (TPU), chịu trách nhiệm xử lý tất cả các tác vụ AI/ML. Chính nó sẽ giúp giải phóng tài nguyên CPU cho các tác vụ khác, có khả năng dẫn đến hiệu suất và tuổi thọ pin tốt hơn. Không giống như Neural Engine của Apple trong các bộ vi xử lý A-series, TPU là 1 thành phần không thể tách rời của Tensor.
Nói cách khác, Google muốn như Apple, không muốn phụ thuộc vào con chip của bên thứ 3 nữa.
Điện thoại Pixel được lợi gì từ Google Tensor?
Đầu tiên, với Tensor, lần đầu tiên, Google sẽ tích hợp chặt chẽ hơn giữa phần cứng và phần mềm trên điện thoại Pixel (trước mắt là Pixel 6 series sắp tới). Điều này sẽ mang đến trải nghiệm liền mạch hơn cho người dùng.
Và hãy nhớ rằng những chiếc điện thoại Pixel luôn là bậc thầy về nhiếp ảnh di động nhờ vào việc tận dụng các thuật toán của Google (dù phần cứng camera không phải là mạnh nhất). Có Tensor, khả năng chụp ảnh của Google Pixel 6 càng được nâng lên 1 tầm cao mới. Nó sẽ giúp thiết bị chụp ảnh từ nhiều camera cùng một lúc, quay video từ nhiều camera ở các mức phơi sáng khác nhau, tốc độ màn trập nhanh hơn và thực hiện nhiều tác vụ xử lý hơn ngay trong khi quay video…
Google Tensor cũng giúp công ty phát triển hoàn thiện hơn các tính năng nhận dạng hình ảnh, giọng nói, khả năng dịch thuật ngay cả khi không có kết nối internet.
Cuộc chiến với Google bây giờ mới bắt đầu. Trước đây, những chiếc điện thoại của họ luôn yếu thế hơn iPhone bởi sự họ không có một con chip riêng.
Giờ đây, Google Tensor phải chứng minh là nó không thua kém so với chip A-series của Apple. Đây không phải là điều dễ dàng vì Samsung – một tên tuổi lớn của làng bán dẫn – vẫn chưa thành công dù sở hữu riêng dòng chip Exynos từ nhiều năm nay.