Theo GSMArena, Google Glass có thể là một thất bại nhưng gã khổng lồ tìm kiếm vẫn chưa từ bỏ ý tưởng này. Tuy nhiên, có vẻ như hãng đã không gặt hái được nhiều thành công trong việc tự phát triển một thiết kế mới. Vì vậy, Google đã chuyển hướng chiến lược sang mua các công ty khởi nghiệp để sở hữu các tài năng và công nghệ mới trong lĩnh vực này.
Hai năm trước, họ đã mua lại North, một nhà sản xuất kính AR, bây giờ họ đã mua Raxium, công ty đang phát triển màn hình microLED cho các ứng dụng AR và VR. Chi phí mua lại không được công bố, nhưng các mức định giá trước đó được báo cáo là khoảng 1 tỷ USD.
microLED tương tự như OLED ở chỗ không sử dụng đèn nền, thay vào đó mỗi pixel phát ra ánh sáng riêng. Sự khác biệt với OLED nằm ở vật liệu được sử dụng – microLED hứa hẹn sẽ sáng hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và khắc phục các vấn đề về tuổi thọ (như hiện tượng burn-in).
Tuy nhiên, chế tạo microLED đủ nhỏ cho các thiết bị đeo trên đầu là một thách thức. Và chúng cần phải nhỏ nhưng đủ cho tầm nhìn của người dùng. Raxium tuyên bố họ đã đạt được các điểm ảnh nhỏ tới 3,5 µm, nhỏ hơn nhiều so với một điểm ảnh OLED điển hình.
Raxium chưa sản xuất thiết bị đại chúng. North đã có một sản phẩm trên thị trường, Focals 1.0, một cặp kính AR trị giá 600 USD (nó có giá 1000 USD vào thời điểm ra mắt nhưng nhanh chóng được giảm giá sau đó). Sau khi mua lại, Google đã tắt dịch vụ mà kính dựa vào, khiến chúng không thể sử dụng được.
Dù sao thì Google cũng đang tham gia vào một cuộc đua quyết liệt – Apple và Meta cũng đã mua lại các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kính AR. Kính thông minh có tiềm năng thay thế smartphone để trở thành cách phổ biến để người dùng tương tác với thế giới kỹ thuật số. Tuy nhiên, hiện nay chưa có loại kính thông minh nào làm được điều này, có lẽ là vì những công nghệ cần thiết chưa thực sự sẵn sàng.